Biến trong java

Trong java, biến là tên của vùng nhớ. Có 3 kiểu biến trong java, bao gồm biến biến cục bộ (local ), biến biến toàn cục (instance) và biến tĩnh (static).

1. Khai báo biến

1.1. Biến là gì?

Biến là vùng nhớ dùng để lưu trữ các giá trị của chương trình. Mỗi biến gắn liền với một kiểu dữ liệu và một định danh duy nhất gọi là tên biến.

Cú pháp khai báo biến:DataType varName [ = value] [, varName2] [ = value2]…;

Trong đó, DataType là kiểu dữ liệu của biến, varName là tên biến.

1.2. Một số quy tắc đặt tên biến:

  • Tên phân biệt chữ HOA và chữ thường.
  • Tên biến chấp nhận các ký tự chữ cái, ký số, dấu _ và dấu $.
  • Tên biến phải bắt đầu bằng một chữ cái , một dấu _ hay dấu $. Không bắt đầu bằng ký tự số.
  • Tên biến không được trùng với các từ khóa.
  • Tên biến không có khoảng trắng trong tên.
  • Biến có thể được khai báo ở bất kỳ đâu trong chương trình.

Để chương trình nguồn dễ đọc, dễ theo dõi người ta còn sử dụng quy tắc đặc tên biến sau (không bắt buộc):

  • Tên lớp: ký tự đầu tiên của một từ được viết hoa, các ký tự còn lại viết thường. Ví dụ: class Nguoi, class SinhVien, class InputStream, …
  • Tên biến, hằng, phương thức: ký tự đầu tiên viết thường, ký tự đầu tiên của từ thứ hai trở đi được viết hoa. Ví dụ: String ten, Date ngaySinh, int diemTrungBinh, …

Ngoài các tiêu chuẩn cơ bản trên, khi bạn tham gia vào các dự án thực tế, bạn sẽ được cung cấp tài liệu mô tả đầy đủ hơn về vấn đề này. Bạn nào quan tâm hãy tham kháo bài viết Tiêu chuẩn coding trong Java.

2. Biến cục bộ (local)

  • Biến local được khai báo trong các phương thức, hàm contructor hoặc trong các block.
  • Biến local được tạo bên trong các phương thức, contructor, block và sẽ bị phá hủy khi kết thúc các phương thức, contructor và block.
  • Không được sử dụng “access modifier” khi khai báo biến local.
  • Các biến local được lưu trên vùng nhớ stack của bộ nhớ.
  • Bạn cần khởi tạo giá trị mặc định cho biến local trước khi có thể sử dụng.

3. Biến toàn cục (instance)

  • Biến instance được khai báo trong một lớp(class), bên ngoài các phương thức, constructor và các block.
  • Biến instance được lưu trong bộ nhớ heap.
  • Biến instance được tạo khi một đối tượng được tạo bằng việc sử dụng từ khóa “new” và sẽ bị phá hủy khi đối tượng bị phá hủy.
  • Biến instance có thể được sử dụng bởi các phương thức, constructor, block, … Nhưng nó phải được sử dụng thông qua một đối tượng cụ thể.
  • Bạn được phép sử dụng “access modifier” khi khai báo biến instance, mặc định là “default”.
  • Biến instance có giá trị mặc định phụ thuộc vào kiểu dữ liệu của nó. Ví dụ nếu là kiểu int, short, byte thì giá trị mặc định là 0, kiểu double thì là 0.0d, … Vì vậy, bạn sẽ không cần khởi tạo giá trị cho biến instance trước khi sử dụng.
  • Bên trong class mà bạn khai báo biến instance, bạn có thể gọi nó trực tiếp bằng tên khi sử dụng ở khắp nới bên trong class đó.

4. Biến tĩnh (static)

  • Biến static được khai báo trong một class với từ khóa “static”, phía bên ngoài các phương thức, constructor và block.
  • Sẽ chỉ có duy nhất một bản sao của các biến static được tạo ra, dù bạn tạo bao nhiêu đối tượng từ lớp tương ứng.
  • Biến static được lưu trữ trong bộ nhớ static riêng.
  • Biến static được tạo khi chương trình bắt đầu chạy và chỉ bị phá hủy khi chương trình dừng.
  • Giá trị mặc định của biến static phụ thuộc vào kiểu dữ liệu bạn khai báo tương tự biến instance.
  • Biến static được truy cập thông qua tên của class chứa nó, với cú pháp: TenClass.tenBien.
  • Trong class, các phương thức sử dụng biến static bằng cách gọi tên của nó khi phương thức đó cũng được khai báo với từ khóa “static”.

Ví dụ:

public class Student {
// biến static 'name '
public static String name = "GP Coder";
// biến static 'age '
public static int age = 21;

public static void main(String args[]) {
    // Sử dụng biến static bằng cách gọi trực tiếp
    System.out.println("Name: " + name );

    // Sử dụng biến static bằng cách gọi thông qua tên class
    System.out.println("Age: " + Sinhvien.age );
}
}

Hằng

Hằng là một giá trị bất biến trong chương trình
Qui ước đặt tên hằng giống như tên biến.
Hằng số nguyên: trường hợp giá trị hằng ở dạng long/ Long ta thêm vào cuối số chữ “l” hay“L”. ví dụ: 1L
Hằng số thực: truờng hợp giá trị hằng có kiểu float/Float ta thêm tiếp vĩ ngữ “f” hay “F”, còn kiểu số double/ Double thì thêm tiếp vĩ ngữ “d” hay“D”. Ví dụ: 1d, 1f
Hằng Boolean: có 2 giá trị là true và false.

Ví dụ:

public class VariableTutorial {
// Hằng số
final int hangSo = 10;
// Biến toàn cục
String bienToanCuc = "Đây là biến toàn cục";
int number1 = 10;

public void testVarial() {
    // Biến bình thường có thể thay đổi giá trị
    number1 = 20; // Có thể thay đổi

    // Hằng số không thể thay đổi giá trị
    hangSo = 50; // Lỗi: không thể thay đổi
}

public static void main(String[] args) {
    // Biến cục bộ
    String bienCucBo = "Đây là biến cục bộ";        
}   
}